Bảo Vệ Khỏi Bệnh Ho Gà Với Tdap Trong Thai Kỳ
Ho gà là gì?
Ho gà là một căn bệnh do vi khuẩn gây ra. Căn bệnh này khởi đầu với các triệu chứng giống như cảm lạnh và sau đó gây ho dữ dội. Cơn ho có thể trở nặng đến nỗi khiến quý vị khó thở. Quý vị có thể tạo ra âm thanh rít như tiếng gà khi quý vị cố gắng hít thở.
Ho gà rất dễ lây. Bệnh này dễ dàng lây lan qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho. Điều gì có thể xảy ra nếu một em bé mắc bệnh ho gà?
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, có thể sẽ ốm bệnh nặng nếu bị mắc bệnh ho gà. Thay vì ho, trẻ có thể sẽ thở hổn hển, nôn trớ, hoặc ói mửa. Trẻ trông sẽ xanh xao vì thiếu oxy. Ngưng thở (khi em bé ngừng thở trong một thời gian ngắn) và có thể xảy ra co giật.
Một số trẻ sơ sinh bị viêm phổi do mắc bệnh ho gà. Một nửa số trẻ bị ho gà phải nhập viện. Tại Hoa Kỳ, một số ít trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm vì ho gà.
Có vắc-xin để phòng ngừa ho gà không?
Có thể hai loại vắc-xin ngừa bệnh ho gà được tiêm ở các độ tuổi và tình huống thực tế khác nhau:
DTaP được tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Loại vắc-xin này bảo vệ trẻ khỏi bệnh ho gà và hai bệnh nghiêm trọng khác, như uốn ván và bạch hầu. Trẻ sơ sinh tiêm liều DTaP đầu tiên lúc 2 tháng tuổi và sau đó thêm 4 liều vào lúc 4 tháng, 6 tháng, 15—18 tháng tuổi và 4—6 tuổi.
Mũi tiêm tăng cường, gọi là Tdap, được tiêm vào lúc 11—12 tuổi.
Người trưởng thành trên 19 tuổi chưa từng tiêm Tdap cần tiêm vắc-xin này một lần trong đời. Tdap có thể thay thế một trong những mũi tiêm tăng cường uốn ván (Td) được tiêm 10 năm một lần.
Phụ nữ mang thai cần phải tiêm Tdap vào mỗi lần mang thai.
Tại sao việc tiêm vắc-xin Tdap ngừa bệnh ho gà lại quan trọng trong thai kỳ?
Trẻ sơ sinh không được tiêm vắc-xin cho đến khi được 2 tháng tuổi. Trẻ không được bảo vệ khỏi bệnh ho gà cho đến khi trẻ có thể tiêm vắc-xin. Quý vị có thể bảo vệ trẻ trong thời gian này bằng cách tiêm vắc-xin trong thai kỳ.
Tại sao tôi cần phải tiêm Tdap vào mỗi lần mang thai?
Khi quý vị tiêm Tdap, cơ thể của quý vị ngay lập tức bắt đầu tạo ra kháng thể. Đây là những protein được tạo ra bởi hệ miễn dịch tiêu diệt vi-rút ho gà nếu quý vị phơi nhiễm với vi-rút này.
Những kháng thể này truyền qua nhau thai và đi vào máu của bào thai. Khi trẻ ra đời, trẻ sẽ có đủ kháng thể để bảo vệ khỏi bệnh ho gà cho đến khi trẻ có thể tiêm vắc-xin vào lúc 2 tháng tuổi. Tiêm Tdap mỗi lần mang thai làm tăng kháng thể của quý vị để đạt số lượng kháng thể tối đa có thể được truyền đến thai nhi của quý vị.
Tôi nên tiêm Tdap vào thời điểm nào trong thai kỳ?
Thời điểm tốt nhất để tiêm Tdap là khi quý vị mang thai từ 27 đến 36 tuần. Chúng tôi khuyến nghị quý vị nên tiêm Tdap sớm nhất có thể trong khung thời gian này.
Nếu tôi không tiêm Tdap trong thai kỳ thì sao?
Quý vị có thể tiêm Tdap sau thai kỳ. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ chuyển các kháng thể quý vị tạo ra sau khi tiêm vắc-xin cho bé. Nhưng phải mất đến 2 tuần để cơ thể quý vị tạo ra lượng kháng thể tối đa. Trong thời gian này, con của quý vị có thể không được bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh ho gà. Đó là lý do tại sao cách tốt nhất để bảo vệ con của quý vị là tiêm Tdap vào mỗi lần mang thai.
Vắc-xin này có an toàn cho người mang thai không?
Có. Tiêm vắc-xin Tdap trong thai kỳ rất an toàn. Nghiên cứu được thực hiện trong 10 năm qua đã chỉ ra rằng việc tiêm vắc-xin trong thai kỳ không làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề trong thai kỳ hoặc dị tật bẩm sinh.
Đối tượng khác trong hộ gia đình nên tiêm vắc-xin Tdap là ai?
Tất cả các thành viên trong gia đình và người chăm sóc sẽ tiếp xúc với con quý vị cũng nên tiêm một mũi vắc-xin tăng cường Tdap. Ngay cả khi họ đã tiêm vắc-xin tăng cường uốn ván tiêu chuẩn trong vòng 10 năm qua, họ vẫn nên tiêm vắc-xin Tdap ít nhất 2 đến 3 tuần trước khi em bé ra đời.
Vắc-xin Tdap có tác dụng phụ không?
Vắc-xin này có rất ít tác dụng phụ. Đau nhức và tấy đỏ có thể xảy ra ở chỗ tiêm. Nếu bất kỳ triệu chứng đau nhức, tấy đỏ hoặc sưng tấy nào kéo dài quá vài ngày, hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị
Thông Tin Nhanh Về Tdap Trong Thai Kỳ
· Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ho nặng.
· Ở trẻ sơ sinh, bệnh này có thể trở nên rất nghiêm trọng. Một phần hai số trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà phải vào viện.
· Có một loại vắc-xin ngừa ho gà, nhưng không dành cho trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ được 2 tháng tuổi. Quý vị có thể tiêm vắc-xin ngừa ho gà (Tdap) khi đang mang thai để bảo vệ con quý vị.
· Để bảo vệ tốt nhất cho con quý vị, quý vị cần phải tiêm Tdap vào mỗi lần mang thai. Thời gian lý tưởng là khi mang thai từ 27 đến 36 tuần.
· Tdap đã được kiểm chứng là an toàn trong thai kỳ. Loại vắc-xin này không gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề trong thai kỳ.
Thuật ngữ
Kháng thể: Protein được hệ miễn dịch tạo ra để phản ứng với một vật thể lạ, chẳng hạn như vi-rút.
Vi khuẩn: Một nhóm sinh vật đơn bào (sinh vật sống) có thể sống trong đất, thực vật, động vật và cơ thể người. Nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh.
Bạch hầu: Một bệnh truyền nhiễm gây tắc nghẽn mũi và cổ họng, khiến người mắc bệnh khó thở.
Hệ miễn dịch: Các tế bào và các cơ quan bảo vệ cơ thể khỏi các vật thể lạ, chẳng hạn như vi khuẩn và vi-rút.
Ho gà: Một bệnh truyền nhiễm gây ho nặng và đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ dưới 1 tuổi.
Nhau thai : Một cơ quan đặc biệt được cơ thể phụ nữ mang thai tạo ra trong thai kỳ. Cơ quan này cho phép chuyển các chất dinh dưỡng, kháng thể và oxy cho thai nhi từ người mẹ. Ngoài ra còn sản sinh nội tiết tố duy trì thai kỳ.
Viêm phổi: Nhiễm trùng phế nang trong phổi.
Động kinh: Tình trạng rối loạn hoạt động của não mà có thể dẫn đến những thay đổi trong vận động hoặc hành vi.
Uốn ván: Một bệnh thường gây tử vong bằng cách tấn công các dây thần kinh kiểm soát cơ, đặc biệt là các cơ được sử dụng để thở.
Vắc-xin: Một chất có chứa các phần của một phiên bản bất hoạt hoặc bị tiêu diệt của một tác nhân gây bệnh giúp hệ miễn dịch của một người tạo ra kháng thể để chống lại bệnh
This translation was supported by the American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG) and the Centers for Disease Control and Prevention (CDC) of the U.S. Department of Health and Human Services (HHS) as a part of a financial assistance award totaling $15,000 with 100 percent funded by ACOG and CDC/HHS. The contents are those of the author(s) and do not necessarily represent the official views of, nor an endorsement, by ACOG, CDC/HHS, or the U.S. Government.