Thai Kỳ và Tiêm Vắc-Xin COVID-19
Tiêm vắc-xin COVID-19 khi mang thai là cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 cho cả quý vị và con quý vị. Hiệp Hội Y Học Bà Mẹ-Thai Nhi (Society for Maternal-Fetal Medicine, SMFM), cùng với Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention, CDC) và các chuyên gia về thai kỳ khác, khuyến cáo phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú, đang có ý định mang thai hoặc có thể sẽ mang thai trong tương lai, tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
-
Mặc dù hầu hết người mang thai mắc COVID-19 chỉ bị bệnh nhẹ, nhưng khoảng 1 trong 10 người sẽ mắc bệnh nặng. So với những người không mang thai, những người mang thai nhiễm vi-rút COVID-19:
Có nguy cơ cần dịch vụ chăm sóc tại Phòng Chăm Sóc Tích Cực (Intensive Care Unit, ICU) cao hơn gấp 3 lần
Có nguy cơ cần hỗ trợ hồi sinh nâng cao và dùng ống thở cao hơn gấp 2 đến 3 lần
Tăng nhẹ nguy cơ tử vong do COVID-19
Nhiễm COVID-19 cũng có thể tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, bao gồm thai chết lưu và sinh non.
Dữ liệu cho thấy người mang thai lớn tuổi và những người có bệnh từ trước, chẳng hạn như béo phì, tiểu đường và rối loạn nhịp tim, đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 cao hơn.
-
Nếu quý vị đang mang thai hoặc có ý định có thai, hãy cân nhắc trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị về loại vắc-xin. Đây là những điểm chính cần lưu ý:
Tác Dụng của Vắc-Xin
Vắc-xin có thể giúp bảo vệ quý vị khỏi bệnh nặng, nhập viện, và tử vong nếu quý vị nhiễm COVID-19.
Tiêm Vắc-Xin Giúp Bảo Vệ Con của Quý Vị
Tiêm vắc-xin trong thai kỳ giúp hệ miễn dịch của quý vị tạo kháng thể chống COVID-19, sau đó kháng thể này truyền sang thai nhi qua nhau thai. Những kháng thể này bảo vệ con quý vị khỏi bệnh nặng do COVID-19 và phải nhập viện cho đến khi trẻ có thể được chích ngừa lúc 6 tháng tuổi.
Vắc-Xin Không Truyền Qua Nhau Thai Hoặc Ảnh Hưởng Đến Khả Năng Sinh Sản Trong Tương Lai
Các vắc-xin COVID-19 hiện tại không phải là vắc-xin sống. Các loại vắc-xin không truyền qua nhau thai vì cơ ở chỗ tiêm sẽ nhanh chóng phá vỡ vắc-xin. Lưu ý rằng—vắc-xin giúp cơ thể quý vị tạo ra các kháng thể bảo vệ, kháng thể này đi qua nhau thai và giúp bảo vệ em bé của quý vị sau khi sinh ra.
Không có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai.
-
Quý vị có thể tiêm vắc-xin bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Quý vị không cần phải đợi đến cuối thai kỳ mới tiêm vắc-xin. Thông tin sau cho biết các loại vắc xin hiện có và số liều khuyến nghị quý vị nên tiêm trong năm 2024-2025 dựa trên lịch sử tiêm chủng ngừa COVID-19 của quý vị:
Nếu quý vị CHƯA TỪNG tiêm vắc-xin COVID-19:
Vắc-xin: | Số liều nên tiêm trong năm 2024-2025 | Thời gian chờ giữa các liều |
---|---|---|
Moderna, HOẶC | 1 | Không có |
Pfizer, HOẶC | 1 | Không có |
Novavax (chỉ cho người từ 12 tuổi trở lên) | 2 | 3-8 tuần giữa các liều 1 và 2 |
Nếu quý vị đã tiêm 1 hoặc nhiều liều vắc-xin COVID-19:
Vắc-xin: | Số liều nên tiêm trong năm 2024-2025 | Thời gian chờ giữa các liều |
---|---|---|
Moderna, HOẶC | 1 | 8 tuần hoặc hơn kể từ liều trước |
Pfizer, HOẶC | 1 | 8 tuần hoặc hơn kể từ liều trước |
Novavax (chỉ cho người từ 12 tuổi trở lên) | 1 | 8 tuần hoặc hơn kể từ liều trước |
-
Các tác dụng phụ có thể xảy ra trong 3 ngày đầu sau khi tiêm vắc-xin. Các tác dụng phụ này bao gồm sốt nhẹ đến vừa, đau đầu và đau cơ. Các tác dụng phụ có thể diễn biến nặng hơn sau liều thứ hai của vắc-xin Moderna và Pfizer. Cần tránh bị sốt khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Acetaminophen (Tylenol) được khuyến nghị sử dụng nếu quý vị tiêm vắc-xin và bị sốt. Thuốc này an toàn trong suốt thai kỳ và không ảnh hưởng đến tác dụng của vắc-xin.
CDC, cùng với các đối tác liên bang khác, sẽ theo dõi các phản ứng phụ nghiêm trọng đối với những người đã tiêm vắc-xin. Quý vị có thể hỗ trợ nỗ lực này bằng cách đăng ký V-safe, một chương trình theo dõi những người đã tiêm vắc-xin. Chưa từng xảy ra vấn đề ngoài ý muốn trong thai kỳ hoặc đối với thai nhi. Không có báo cáo nào về việc tăng nguy cơ sẩy thai, các vấn đề về phát triển hoặc dị tật bẩm sinh.
Thông Tin Nhanh
Tiêm vắc-xin COVID-19 trong thai kỳ giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
Tiêm vắc-xin trong thai kỳ giúp cơ thể của quý vị tạo kháng thể chống COVID-19, sau đó kháng thể này truyền sang thai nhi. Những kháng thể này bảo vệ con quý vị khỏi bệnh nặng do COVID-19 và phải nhập viện cho đến khi trẻ có thể được chích ngừa lúc 6 tháng tuổi.
Vắc-xin không đi qua nhau thai hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Quý vị có thể tiêm vắc-xin COVID-19 bất cứ lúc nào trong thai kỳ.
Vắc-xin COVID-19 có thể có các tác dụng phụ nhẹ, như sốt hoặc đau đầu. Acetaminophen an toàn sử dụng nếu quý vị cần.
Thuật ngữ
Kháng thể: Protein được hệ miễn dịch tạo ra để phản ứng với một vật thể lạ, chẳng hạn như vi-rút.
Hệ miễn dịch: Các tế bào và các cơ quan bảo vệ cơ thể khỏi các vật thể lạ, chẳng hạn như vi khuẩn và vi-rút.
Nhau thai: Một cơ quan đặc biệt được phát triển trong thai kỳ. Cơ quan này giúp truyền các chất dinh dưỡng, kháng thể và oxy cho thai nhi. Cơ quan này cũng sản sinh nội tiết tố duy trì thai kỳ.
Tài nguyên này được hỗ trợ bởi thỏa thuận hợp tác của Hiệp Hội Y Học Mẹ và Thai Nhi (SMFM) và Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) CDC-RFA-DD-23-0004 Tăng cường quan hệ đối tác để giải quyết các khuyết tật bẩm sinh, rối loạn ở trẻ sơ sinh và các tình trạng liên quan, cũng như sức khỏe của phụ nữ mang thai và sau sinh. Quan điểm do tác giả trình bày không nhất thiết phản ánh chính sách chính thức của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh cũng như không đại diện cho chứng thực của Chính phủ Hoa Kỳ
Cập Nhật Tháng Mười 2024